Thông tin tuyển sinh ngành Khoa học dữ liệu

1. Giới thiệu chung
Trong thời đại công nghiệp 4.0, sự phát triển mạnh mẽ của Internet vạn vật (IoT) và các thiết bị di động cùng với sự tích hợp sâu rộng của các thiết bị công nghệ hiện đại dẫn đến sự bùng nổ về dữ liệu lớn (big data). Những dữ liệu này được lưu trữ theo nhiều cách thức khác nhau và chứa nhiều thông tin quý giá mà nếu biết cách thu thập, khai thác và phân tích sẽ mang đến nhiều lợi ích to lớn trong việc ra các quyết định trong kinh doanh, nghiên cứu khoa học, dự báo thiên tai, dịch bệnh,… Chính vì vậy, ngành khoa học dữ liệu hiện nay là một ngành học rất tiềm năng và có cơ hội phát triển, thu hút sự quan tâm đầu tư của nhiều tổ chức, doanh nghiệp và tập đoàn lớn với đa dạng lĩnh vực khác nhau như khoa học – công nghệ, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, sinh học, y tế,…
Nền tảng kiến thức chính của Khoa học dữ liệu là Toán, Thống kê và Học máy. Vì thế, trong danh mục ngành đào tạo trình độ đại học được Bộ giáo dục và đào tạo công bố tại Thông tư số  09/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022, ngành Khoa học dữ liệu với mã số 7460108 được xếp vào ngành Toán học (mã số 74601) thuộc nhóm ngành Toán và Thống kê (mã số 746). Khoa Toán học, Trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng, có đội ngũ giảng viên năng động, nhiệt tình và có trình độ chuyên môn, sẽ là nơi đào tạo, trang bị cho người học những kỹ năng và kiến thức đủ sâu và rộng trong lĩnh vực Khoa học dữ liệu, nhằm hỗ trợ người học thích ứng linh hoạt với môi trường làm việc cũng như nghiên cứu về sau.
Thông tin về Khoa đào tạo
            Khoa: Toán học
            Website: https://math.ued.udn.vn/
            Facebook: https://www.facebook.com/groups/mathudn
            Điện thoại tư vấn: 0898.204.204

2. Thông tin tuyển sinh năm 2024
            * Mã ngành tuyển sinh: 7460108
* Chỉ tiêu dự kiến: 45
            * Các phương thức và tổ hợp xét tuyển:
            – Xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024
            Tổ hợp: A00 (Toán, Vật Lý, Hóa Học), A01 (Toán, Vật Lý, Tiếng Anh)
Điểm sàn: 15
            – Xét tuyển theo kết quả học tập THPT (xét học bạ)
            Tổ hợp: A00 (Toán, Vật Lý, Hóa Học), A01 (Toán, Vật Lý, Tiếng Anh)
            Các thức tính điểm: Tổng điểm trung bình 3 môn theo tổ hợp xét tuyển của 5 học kỳ (ưu tiên môn Toán).
Điểm sàn: 15
            – Xét tuyển theo đề án tuyển sinh riêng
            Đối tượng xét tuyển: Đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh hoặc thành phố (trực thuộc trung ương), giải khuyến khích kỳ thi chọn HSG quốc gia môn Toán hoặc Tin học.
            – Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo: đối với các học sinh đạt từ giải 3 trở lên các môn thi văn hóa (Toán, Tin học) trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia bậc trung học phổ thông.

3. Cơ hội việc làm sau tốt nghiệp
Sinh viên tốt nghiệp từ CTĐT ngành Khoa học dữ liệu có thể làm:
– Chuyên viên thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu trong các công ty và doanh nghiệp về tài chính, bảo hiểm, môi trường, y tế, công nghệ,…;
– Cán bộ nghiên cứu, xây dựng và phát triển các mô hình ứng dụng về khoa học dữ liệu ở các viện, trung tâm nghiên cứu, các trường đại học và cao đẳng;
– Chuyên viên công nghệ thông tin trong các cơ quan, doanh nghiệp;
– Giảng viên dạy các môn học liên quan đến Khoa học dữ liệu, Toán ứng dụng tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.

4. Cơ hội học tập sau đại học tại trường
– Có thể học tiếp bậc cao học ở tất cả các chuyên ngành về toán
– Có thể học tiếp bậc cao học với các chuyên ngành gần như: Công nghệ thông tin, Trí tuệ nhân tạo, Khoa học máy tính,…
– Có thể học cao học hoặc nghiên cứu sinh về toán, toán ứng dụng, khoa học dữ liệu tại các cơ sở đào tạo uy tín trong nước và quốc tế.

5. Chuẩn đầu ra của ngành học
Người học khi tốt nghiệp chương trình đào tạo ngành Khoa học dữ liệu của Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng có khả năng:

  • PLO1: Vận dụng được kiến thức khoa học chính trị và pháp luật, kiến thức chuyên ngành về khoa học dữ liệu trong việc xử lý và phân tích dữ liệu, xây dựng các mô hình dự báo, nghiên cứu khoa học.
  • PLO2: Thực hiện được việc thu thập, tổ chức lưu trữ, xử lý và phân tích dữ liệu.
  • PLO3: Ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng ngoại ngữ trong hoạt động thu thập, xử lý và phân tích dữ liệu, triển khai mô hình và nghiên cứu khoa học.
  • PLO4: Phát triển kĩ năng giao tiếp, làm việc nhóm và kỹ năng mềm khác.
  • PLO5: Thể hiện tư duy phản biện, sáng tạo và năng lực giải quyết các vấn đề phức tạp.
  • PLO6: Thực hiện được nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Khoa học dữ liệu.
  • PLO7: Thực hiện hành vi ứng xử phù hợp với đạo đức nghề nghiệp; tham gia phục vụ cộng đồng và tinh thần khởi nghiệp.

Nguồn: https://tuyensinh.ued.udn.vn/

Share